Chương 17: Bây giờ
Đã chín năm trôi qua kể từ khi tôi gặp Tenzin Palmo lần đầu tiên tại nền đất của tòa lâu đài của người Tuscan, Italia và bị cuốn vào công việc chậm chạp nhưng không thể lay chuyển được là viết câu chuyện về cuộc đời cô. Trong thời gian này, nhiều thứ đã thay đổi. Cô đã bớt đi chút ánh sáng rực rỡ làm rạng ngời cả đêm tối của mình so với lần đầu tiên cô ra khỏi hang động, nhưng cặp mắt của cô vẫn long lanh và phong thái của cô vẫn đầy sức sống như trước. Những năm tháng rong ruổi trên đường, liên tục di chuyển, giảng dạy không ngừng nghỉ, đã hằn những dấu vết lên cô. Trong lúc tôi đang viết sách, thì cô đã gom đủ số tiền để mua đất và làm móng. Dù có đánh giá theo tiêu chí nào đi chăng nữa, thì đó cũng là một thành công to lớn. Nhưng đối với một phụ nữ phải đơn độc làm điều đó mà không có sự hỗ trợ của những nhà gây quỹ chuyên nghiệp, thì nó quả thật là một điều phi thường. Phía trước vẫn còn một đoạn đường dài nữa cần phải đi, và do đó cô vẫn tiếp tục, thu gom nhiều tiền hơn để đẩy mạnh ngân quỹ cho ni viện của mình. Đối với tất cả những sự chậm chạp của quá trình, cô vẫn duy trì một tâm thế bình thản, không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào của sự mất kiên nhẫn, muốn thúc đẩy mọi thứ và sớm hoàn thành công việc. Cô không có tham vọng cá nhân nào trong kế hoạch này. Ở mức độ nào đó, cô thực sự không hề bận tâm.
Cô thừa nhận: “Cuộc đời tôi nằm trong tay Phật, Pháp, Tăng theo đúng nghĩa đen của nó. Tôi hoàn toàn thanh thản. Điều cần thiết đối với tôi là làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, hãy để tôi làm điều đó. Tôi không bận tâm lo lắng. Bên cạnh đó tôi khám phá ra rằng nếu như tôi cố gắng thúc đẩy mọi thứ theo cách mà tôi nghĩ nó nên là, thì mọi việc sẽ đi lệch hướng.”
Dâng hiến cuộc đời mình cho đạo Phật, những công việc trong cuộc đời cô thật kỳ lạ, dường như chúng tự hoàn thành và được thực hiện một cách viên mãn. Người ta không chỉ luôn nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ công việc của cô cho đến khi nào cô còn có thể ở với họ - đưa cho cô vé máy bay, nhà của họ, thức ăn, phương tiện đi lại, tiền, và tất cả những gì mà thân thể vật lý của cô cần được đáp ứng. Đó là điều cô nói: mọi thứ sẽ nên như thế. “Cuộc sống tu viện thực sự không có gì đảm bảo, phụ thuộc vào sự hào phóng tự nguyện của những người khác. Trái ngược với những gì mà một số người phương Tây có thể nghĩ, điều đó không có nghĩa là những người trong tu viện là những kẻ ăn bám, mà đó là tiến tới niềm tin. Chúa Giê-su cũng nói: “Các con đừng suy nghĩ đến cái ăn cái mặc của ngày mai.” Chúng ta nên có niềm tin rằng nếu chúng ta thành tâm thực hành thì chúng ta sẽ không bị chết đói, chúng ta sẽ được sự hỗ trợ không chỉ bằng vật chất mà bằng mọi cách.”
Và do đó, hoàn toàn sống theo niềm tin của mình, Tenzin Palmo đi theo một dòng chảy trái ngược với phần còn lại của xã hội thế kỷ XX với những trọng tâm của nó hướng vào sự thành đạt và thỏa mãn mong ước. Cô không có gia đình, nhà cửa, không an ninh, không chồng, không mối quan hệ tình dục, không chương trình lương hưu. Cô không có nhu cầu tích trữ. Cô vẫn không có gì ngoại trừ những gì cần thiết ở mức cơ bản nhất: vài chiếc áo choàng, vài cuốn sách, một cái áo khoác, một cái túi ngủ, và một vài món đồ cá nhân khác. Một lần cô đã mua một món đồ xa xỉ - một cái gối để dựa khi di chuyển, nhưng mất nó ngay sau đó. Cô cười và nhận xét: “Nó phục vụ tôi rất tốt. Tôi đã đi quá xa và bám víu vào nó.” Tài khoản ngân hàng của cô vẫn ít ỏi như trước đây. Cô từ chối không nhận bất cứ khoản tiền nào cúng dường cho ni viện – dù chỉ để di chuyển cho mục đích gây quỹ. Cô rất nghiêm túc, khắt khe trong việc liên quan đến tiền bạc dành cho mục đích tôn giáo. Trước cảnh nghèo nàn của mình, cô vẫn tràn đầy lạc quan như mọi khi. Cô không có chút hứng thú nào với tiền bạc. Cô sẽ vui lòng mở ví tiền của mình và cho bất cứ thứ gì có thể, cho bất kỳ ai hỏi xin cô. Cô sẽ theo cuộc sống xả bỏ mà cô luôn mong muốn và làm như vậy chứng tỏ hùng hồn rằng việc kiềm chế dục vọng và sự đơn giản [thiểu dục tri túc] có thể mang lại hạnh phúc và bình an cho tâm hồn.
Đi theo cô đến nhiều quốc gia trên thế giới, tôi được chứng kiến một nhân vật quyến rũ nhưng bí ẩn - một sự kết hợp của những sự mâu thuẫn đáng tò mò. Vì vậy, bạn không thể nào hoàn toàn hiểu đúng cô. Cô rõ ràng thiên về thực hành hơn là lý thuyết, thực tế, thẳng thắn và cùng lúc đó lại thuộc một thế giới khác và hài hước. Cặp mắt của cô tập trung vào một phạm vi quá xa so với tầm nhìn của đa số chúng ta. Cô có thể bằng lòng chờ đợi con người, máy bay, các sự kiện hàng giờ đồng hồ hay thậm chí vài ngày mà không phàn nàn. Điều đó khiến cho bạn nghĩ cô là một người bị động và dễ bị khuất phục. Nhưng khi một vấn đề mà cô quan tâm đang bị đe dọa, thì lại không ai có thể kiên quyết hơn hay có thể quyết tâm giữ ý kiến của mình mạnh mẽ hơn cô. Cô sẽ nói thẳng với bất kỳ ai tại sao họ không nên ăn thịt, thở dài và mạnh mẽ buồn bã khi câu chuyện chuyển sang món gà Tây trong ngày Lễ Tạ ơn, khó chịu ra mặt trước một hàng sách dạy câu cá bày hợm hĩnh trên kệ sách. Và sẽ không may cho ai tranh luận với cô về vấn đề thần học; vì khi đó toàn bộ sức mạnh của tính logic và nghệ thuật hùng biện ghê gớm của cô sẽ được kích động, làm cho đối thủ của cô hết hơi và phải chạy đi nơi khác để hồi phục lại. Cô vô cùng tốt bụng nhưng bạn nên thận trọng, vì mặc dù cô nhún nhường nhưng có một vài điều đáng sợ về cô. Và đôi lúc, khi cô nhìn bạn, có thể sau khi bạn đã nói vài điều bạn nghĩ là quan trọng, và cô có thể làm cho bạn cảm thấy mình chỉ như một đứa trẻ mà thôi.
Có một số điều không bình thường khác. Đối với tất cả năng lực của cô và nhu cầu cho kế hoạch giảng dạy của cô, nhịp độ của cô chậm rãi và có một không khí thanh thản khác thường quanh cô. Đôi khi cô dường như phớt lờ hiểu biết của thập kỷ 1990 rằng bận rộn là tốt hơn, và rằng trừ khi chúng ta làm việc 60 tiếng đồng hồ mỗi tuần, và đi tới phòng tập thể dục vào thời gian rỗi (nhằm mục đích có thể thực hiện công việc tốt hơn), thì chúng ta đang lãng phí thời gian. Cô không lưu tâm chút nào tới quan điểm hiện nay cho rằng ngồi và ngắm ra ngoài cửa sổ là một điều đáng trách. Và do đó, hoàn toàn đối lập với những người căng thẳng về cảm xúc và mệt mỏi về thể chất đang tập hợp quanh cô, cô vẫn như một ốc đảo của sự thanh bình và tĩnh lặng. Như vậy, cô dạy rằng “sự sống” quan trọng hơn “làm việc” và rằng dành thời gian cho tĩnh lặng và suy nghĩ thường là một sự đầu tư tốt hơn cho tương lai so với việc nhồi nhét mọi giây phút trôi qua với những hoạt động náo nhiệt.
Tuy nhiên, đặc tính nổi bật nhất của cô vẫn là tính chan hòa và dễ hòa đồng rất tự nhiên. Mặc dù cô ngày càng nổi tiếng và phải gặp gỡ hàng ngàn người, nhưng cô vẫn không mệt mỏi với mọi người. Phạm vi quan hệ bạn bè của cô rất rộng lớn, và bất kỳ ai đã gia nhập vào trong số bạn bè của cô, thì họ sẽ không bao giờ bị quên lãng. Cô giữ quan hệ với những người bạn từ thời niên thiếu và gần như với tất cả họ hàng, trong đó có anh trai cô Mervyn và vợ anh ta Sandy - một người học cùng trường với cô. Cô nồng nhiệt và ân cần với tất cả, đặc biệt với những ai tới với sự chân thành. Lòng nồng hậu của cô là thực sự, sự quan tâm cầu nguyện cho những vấn đề mà cô nghe thấy là thật lòng, và khả năng lắng nghe và đưa lời khuyên của cô không chút suy chuyển. Nhưng bạn cũng nên hiểu rằng nếu cô không gặp lại bạn một lần nào nữa, thì cô cũng không quyến luyến bạn. Và sự không có nhu cầu bộc lộ cảm xúc của cô là hoàn toàn đối nghịch với bản ngã thông thường thích được đề cao, được người khác yêu mến. Tuy nhiên, bạn sẽ không nhận được điều đó từ cô. Đó là “cuộc hẹn không bám víu” khó đạt được của cô, điều cho phép cô đi lang thang tự do trên thế giới mà không vướng mắc vào những mối quan hệ gắn bó cá nhân.
Cô nói: “Tôi không nghĩ đó là một điều xấu. Nó không có nghĩa là bạn không cảm nhận thấy tình thương và lòng trắc ẩn, hay bạn không quan tâm đến mọi người. Nó chỉ có nghĩa là bạn không nắm giữ. Bạn có thể vui vẻ khi gặp ai đó, nhưng nếu không được thì cũng chẳng có vấn đề gì. Con người, đặc biệt là trong gia đình, thường đau khổ nếu như bạn không quyến luyến vào họ; nhưng đó chỉ là vì chúng ta luôn nhầm lẫn thương yêu với bám víu.”
Cô vẫn gặp Khamtrul Rinpoche trẻ tuổi mỗi khi cô tới Tashi Jong, trên vùng đồi núi tươi tốt ở bắc Ấn Độ. Giờ đây, cậu đã là một thanh niên thực sự và hơi nhút nhát. Cô dạy cậu tiếng Anh và cố đưa một vài cuốn sách phương Tây vào trong thế giới, mà theo quan điểm của cô, là nghiêm khắc và quá biệt lập của cậu. Giờ đây người hướng dẫn vĩ đại của cô - vị Khamtrul Rinpoche đời trước đã ra đi, cô cảm thấy mình nhận được sự hướng dẫn từ một nguồn khác. “Tôi nghĩ tôi đang được các Dakini dẫn dắt.” Cô nói khi nhắc tới những năng lực tâm linh nữ giới đầy sức mạnh mà cô luôn có một mối liên hệ đặc biệt gần gũi với họ.
Cũng có những sự thay đổi trong lĩnh vực bình đẳng giới của đạo Phật. Từ năm 1993, khi cô và những người phụ nữ khác nói với đức Đạt lai Lạt ma tại Hội nghị Dharamsala về những sự phân biệt giới tính mà họ đã gặp phải, hoàn cảnh của các ni sư đã được cải thiện đôi chút. Một nhóm các ni sư xuất sắc đã bắt đầu đi vòng quanh thế giới, tạo những mandala bằng cát về Kalachakra thần thánh cho hòa bình thế giới – một nhiệm vụ theo truyền thống vẫn được thực hiện bởi các tu sĩ nam. Một ni viện mới - Dolma Ling được mở tại Dharamsala. Nơi đây các ni sư được học nghệ thuật tranh luận (phương pháp biện chứng của trí tuệ vẫn luôn được coi là lĩnh vực dành riêng cho tăng sĩ). Đó là một bước tiến lớn. Về điểm này, năm ngoái, các ni sư đã có đủ can đảm để tranh luận trên sân trong tu viện của đức Đạt lai Lạt ma, trước các vị tăng sĩ. Họ đứng đó - những con người nhỏ nhắn, trẻ trung, nhiệt tình, giậm chân và vỗ tay trong những điệu bộ theo nghi thức tranh luận – và những khán giả phương Tây nhìn thấy những giọt nước mắt [vì xúc động] trong mắt họ. Và vấn đề thọ đại giới [cụ túc giới] cũng đang tới ngày càng gần hơn. Đức Đạt lai Lạt ma cử các phái viên tới Đài Loan để nghiên cứu truyền thống Tỳ Kheo Ni của Trung Quốc, với hi vọng làm điều đó cho các ni sư Tây Tạng. Sau 1000 năm, đã đến lúc thực hiện điều đó.
Nhưng vẫn còn một đoạn đường dài phía trước cần phải vượt qua. Vẫn chưa có những người phụ nữ được ngồi giữa những hàng tập trung các đại sư trong Ngôi đền Vĩ đại. Đáng buồn là, dòng những vị tái sinh mới được công nhận của các bậc thầy và dòng truyền thừa trước đây đều là các bé trai – do đó tương lai sẽ có ít hy vọng cho việc phá vỡ hệ thống gia trưởng của nam giới. Và một người đàn ông phương Đông bình thường trên phố vẫn còn coi thường niềm tin chân thực rằng một phụ nữ có thể đạt tới Giác ngộ.
Trải qua nhiều năm, ni sư Tenzin Palmo đã trở thành một huyền thoại, tạo ra niềm kính phục từ những ni sư trẻ phương Tây ở bất cứ nơi nào cô đến với họ. Cô là một thần tượng. Người chứng minh phụ nữ đã sai lầm vì không tin vào khả năng giác ngộ của chính mình. Một phụ nữ (và lại là một phụ nữ phương Tây) là người sống sót trong hang động, hoàn toàn cô độc, suốt 12 năm, theo đuổi việc hành thiền nghiêm túc không gián đoạn và không bao giờ nghi ngờ về mục tiêu của mình. Một phụ nữ mà những lời nói về tuệ giác của mình đã là niềm cảm hứng cho mọi người, dù xuất gia hay tại gia. Như vậy, Tenzin Palmo tiếp tục đóng vai trò hình mẫu và là người cầm đuốc soi đường cho những người phụ nữ khao khát tâm linh trên toàn thế giới.
Kế hoạch của cô cho tương lai (phụ thuộc vào việc cô cho phép bản thân mình) tập trung quanh một đề tài duy nhất - điều mà cô đã duy trì trong suốt cuộc đời mình, đó là đạt được Giác ngộ. Với mục tiêu này gắn chặt trong tâm trí mình, cô dự định sẽ quay trở lại hang động, ngay sau khi nhiệm vụ xây dựng ni viện hoàn tất. Như vậy, cô sẽ hoàn tất một vòng tròn khép kín. Rời bỏ thế giới, quay trở lại với nó, và rồi lại một lần nữa rời bỏ nó ra đi sống trong cô tịch để đi theo cuộc sống nội tâm. Trái với tất cả sự quyết đoán từ những tư tưởng cho rằng Giác ngộ có thể đạt được ngay trong đời sống hàng ngày, cô cảm thấy rằng hang động vẫn là nơi thích hợp để tu tập ngay cả trong thế giới hiện đại của chúng ta, và đó vẫn là nơi mà cô thuộc về.
“Tôi muốn đạt tới những mức nhận thức thâm sâu.” Cô nói nhẹ nhàng. “Và tất cả các vị thầy của tôi, kể cả đức Đạt lai Lạt ma, đều nói rằng nhập thất là điều quan trọng nhất mà tôi cần làm trong suốt cuộc đời này. Khi nhập thất, trong thâm tâm tôi biết tôi đang ở đúng nơi, làm đúng việc.”
Và cô tiếp tục là một người hiếm có. Như Richard Gere - một nghệ sĩ và Phật tử tận tâm mới nói gần đây: “Phần lớn những người phương Tây chúng ta sẽ mắc những chứng loạn thần kinh nếu sống trong các hang động. Chúng ta là những người ưa hoạt động đến nỗi nghiệp của chúng ta là phải hoạt động với cường độ cao. Không có nhiều người trong số chúng ta có đủ sức tinh thần hóa dòng tâm thức của mình để thích hợp với đời sống trong hang động.”
Mặc dù không thể nghi ngờ rằng cô đã tiến khá xa trên con đường tâm linh, cô tuyên bố mình vẫn còn một chặng đường dài phía trước cần phải vượt qua. “Tôi chỉ mới khởi đầu một cách khó khăn. Có rất nhiều những chướng ngại khác mà tôi phải vượt qua trong tâm trí mình. Bạn biết đấy, chỉ một tia chớp lóe lên thì không đủ. Bạn phải lặp lại, duy trì nó cho đến khi nhận thức đó được ổn định và bền vững trong tâm trí bạn. Đó là lý do vì sao nó mất nhiều thời gian – 12 năm, 25 năm, một kiếp sống, vài kiếp sống.”
Tuy nhiên, cô sẽ không quay trở lại hang động cũ ở Lahoul nữa. Cô nói thân thể cô đã quá già để có thể chịu đựng được hoàn cảnh sống khắc nghiệt ở độ cao hơn 4.000 mét trên dãy Himalaya. Cũng như cô không thể mang lên núi 15 kg đồ tiếp tế như cô đã từng làm trước đây. Vì bất cứ lý do nào, thì viễn cảnh về ngôi nhà cũ của cô trên núi cũng không còn tồn tại nữa. Sau khi cô rời đi vào năm 1988, không có vị tăng hay ni nào trong khu vực có nhiệt tình hay can đảm chuyển đến và sống tại nơi mà Tenzin Palmo đã rời đi. Kết quả là hang động đã bị sụp một phần – cánh cửa chính và các cửa sổ đã bị mang xuống thị trấn để được sử dụng vào việc khác và những tảng đá lại đã nằm rải rác trên sườn đồi – nơi mà chúng đã được lấy lên từ đó. Hang động vẫn nhô ra bên sườn núi và trong nhiều năm trông nó như là chưa từng có ai đã ngồi thiền, làm vườn và cầu nguyện tại đó. Tuy nhiên, vài năm sau, hang động lại nhanh chóng sống động trở lại nhờ một phụ nữ phương Tây kiên định khác. Năm 1995, một ni sư người Đức tên là EdiThBesch lại khám phá địa điểm đã từng nổi danh với Tenzin Palmo và xây dựng lại hang động - ở quy mô hoành tráng hơn nhiều. Một căn phòng được xây dựng thêm và bức tường phía trước bị dỡ bỏ. Thậm chí có cả một cái bếp độc lập và một cái nhà vệ sinh ở bên ngoài. Tuy nhiên, EdiThchỉ ở trong hang động được có một năm, trước khi bị bệnh ung thư và chết trong một tu viện dưới thung lũng, ở tuổi 43. Những người địa phương xác nhận rằng khi mới đến cô rất nóng tính, nhưng sau 12 tháng nhập thất, cô đã lấy lại được sự bình thản và kiên nhẫn, bất chấp căn bệnh của mình và đã ra đi an lành. Dường như hang động lại cho thấy phép mầu của nó một lần nữa.
Đối với Tenzin Palmo, hang động tiếp theo của cô mang tính ẩn dụ hơn là thực tế. “Nó như một túp lều nhỏ để nhập thất tại một địa điểm yên bình và tĩnh lặng nhưng không ở nơi hẻo lánh. Có thể đó là một nơi ẩn dật nhỏ trên mảnh đất của ai đó, một nơi không quá khó khăn để nhận đồ tiếp tế. Nơi đó có thể là bất kỳ đâu, mặc dù chắc chắn nó sẽ không ở Anh quốc! Tôi vẫn không có cảm giác đấy là quê hương mình. Nó chắc sẽ là ở phương Đông – tôi luôn có cảm giác mình sẽ chết ở phương Đông.” Cô suy tưởng.
Địa điểm không phải là điều quan trọng. Dù cho nó có ở đâu đi chăng nữa, thì cô chỉ có một mục tiêu duy nhất trong tâm trí: tiếp tục theo đuổi con đường tiến tới sự hoàn thiện trong thân thể nữ giới.