Chương 5: Bậc đạo sư
Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII đã phải trải qua một chặng đường dài. Ông đã rời tu viện của mình tại tỉnh Kham, miền Đông Tây Tạng vào một buổi tối, cải trang thành một nhà buôn để sẵn sàng cho cuộc ra đi đầy rủi ro. Tu viện Khampagar là một dinh thự khổng lồ như một cung điện, với những bức tường vàng nhạt và nóc nhà bằng vàng, sáng lấp lánh trong ánh nắng tinh khôi của Tây Tạng. Nếu chỉ tính riêng trong kiếp tái sinh này, thì đó đã là thế giới của ông trong gần 30 năm. Còn nếu tính trong tất cả các kiếp tái sinh của ông, thì đó đã là ngôi nhà, là trụ sở cho quyền lực to lớn của ông trong 450 năm qua kể từ năm 1548, khi thân tái sinh đầu tiên của ông được công nhận. Vào lúc Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII ra đời, trong những năm 1930, tu viện Khampagar đã phát triển cả về quy mô và tầm ảnh hưởng, bao gồm 200 tu viện phụ thuộc, hàng trăm ngàn vị sư, và nhiều hành giả nổi tiếng khắp Tây Tạng. Đó chưa phải là tất cả. Giống như một số vùng đất tách biệt trong thời kỳ Phục Hưng ở phương Tây, trải qua nhiều thế kỷ, Khampagar đã phát triển tuyệt vời đồng thời tất cả mọi lĩnh vực của nghệ thuật tôn giáo, kể cả tranh vẽ và vũ điệu của các lạt ma. Trước sự phá hoại của người Trung Quốc, Khamtrul Rinpoche đã bỏ lại tất cả mọi thứ đằng sau – sự phù hoa, tráng lệ, những đặc ân, các biểu trưng, đoàn tùy tùng và toàn bộ lối sống của ông.
Chuyến đi rất nguy hiểm. Di chuyển bằng ngựa với một đoàn tùy tùng nhỏ, họ phải vượt qua những dòng sông băng giá trong mùa lũ. Những con ngựa bơi chỉ để hở lỗ mũi của mình trên mặt nước, còn những tài sản ít ỏi của họ được chở trên những chiếc bè. Người ta kể rằng Khamtrul Rinpoche đã làm dịu những con sóng bằng cách ném cát thần vào chúng, nhưng dù với lý do gì, không có ai bị chết và hàng hóa của họ cũng an toàn đến được bờ bên kia. Sau đó là một quãng đường dài liên tục tới miền đất hứa đi ngang qua tầm nhìn của một con đường mà các đoàn xe tải quân đội của Trung Quốc hay sử dụng. Điều kỳ diệu là không có ai bị phát hiện là người đang cưỡi ngựa bỏ trốn. Thử thách cuối cùng và to lớn nhất chính là dãy Himalaya, rặng núi cao nhất trên thế giới. Khamtrul Rinpoche đã vượt qua chúng và tới vùng đất an toàn tại Ấn Độ.
Trong những năm qua, ông ở tại Dalhousie hoặc sống gần đó với những người Tây Tạng khác, tập trung lại các đệ tử của mình, những người cũng tìm cách trốn thoát, cố gắng phục hồi lại cách sống của dòng Khampagar trên vùng đất ngoại quốc này. Vào ngày 30 tháng 6 năm 1964, Khamtrul Rinpoche đến trường nội trú cho Lạt ma Trẻ để thăm bà Freda Bedi.
Vào một buổi chiều, khi đang kiểm tra thư từ của trường, Tenzin Palmo đã có linh cảm đầu tiên về vị đạo sư của mình. Cô nhìn thấy một lá thư đến từ cộng đồng người Tây Tạng, trên đó có đính kèm một mảnh giấy viết tay để bà Freda Bedi chú ý đến. Nó được ký tên bởi một người tên là Khamtrul Rinpoche. Cô không biết gì về Khamtrul Rinpoche cả, nhưng sau đó khi cô nhìn thấy nó: “Có một niềm tin trào dâng trong tôi khi tôi đọc cái tên đó.”
Cô đến chỗ bà Bedi, lắng nghe câu chuyện về ông và biết rằng mọi người mong đợi ông sẽ tới vào một ngày nào đó. “Càng nghe về ông tôi càng thấy bị hấp dẫn. Tôi cảm giác rằng đó chính là con người mà tôi muốn Quy y.” Tenzin Palmo giải thích, nhắc đến lễ quy y khi một người cam kết chính thức sẽ đi theo con đường của đạo Phật.
Ngày ông đến, 30 tháng 6 năm 1964, cũng là ngày sinh nhật thứ 21 của Tenzin Palmo. “Đó là ngày cuối tháng và chúng tôi đang chuẩn bị cho lễ nhập môn thì chuông điện thoại reo. Bà Bedi nghe máy rồi nói: “Món quà sinh nhật tuyệt vời nhất của cô vừa mới tới bến xe buýt.” Tôi rất xúc động và cùng lúc đó cảm thấy cực kỳ kinh hãi. Tôi biết vị lạt ma của tôi đã ở đây. Cô kể lại: “Tôi chạy về tu viện để thay quần áo Tây Tạng và lấy kata (chiếc khăn trắng làm quà gặp mặt theo truyền thống Tây Tạng), nhưng khi tôi quay lại trường thì Khamtrul Rinpoche đã tới và đã đi vào trong. Tôi lo lắng đánh bạo đi theo ông. Ông ngồi trên giường với hai lạt ma trẻ, cả hai đều là các vị tái sinh đã được công nhận. Tôi sợ tới mức không dám nhìn ông. Tôi không biết ông già hay trẻ, to béo hay gày gò.”
Bà Bedi giới thiệu cô, giải thích rằng Tenzin Palmo đã liên hệ với Hội Phật tử ở Anh và mới sang Ấn Độ làm việc với bà. Tenzin Palmo kể tiếp: “Tôi nhớ đã nghĩ rằng những điều bà ấy nói thật không phù hợp chút nào, nhưng cùng lúc đó cảm thấy biết ơn rằng bà đã giới thiệu tôi.”
Bỏ qua những lời nói phù phiếm và vẫn chưa biết rằng Khamtrul Rinpoche thực sự trông như thế nào, cô buột miệng nói: “Hãy thưa với ông ấy rằng tôi muốn Quy y”, cô nói, nhắc tới nghi lễ khi một người chính thức trở thành Phật tử.
Khamtrul Rinpoche trả lời: “Ồ được, tất nhiên là được.” Vào lúc đó, cô ngước nhìn lên.
Cô thấy một người đàn ông to lớn, già hơn cô khoảng 10 tuổi, với khuôn mặt tròn, khỏe mạnh, trông nghiêm khắc và có một cái u nhỏ kỳ lạ trên đỉnh đầu. Cái u đó tương tự như cái u trong các hình vẽ về đức Phật. “Tôi cảm giác hai điều cùng một lúc. Một là nhìn thấy một người mà tôi thực sự biết rất rõ nhưng chưa được gặp sau một khoảng thời gian dài. Đó là cái cảm giác: “Ồ, thật là tuyệt khi được gặp lại ngài một lần nữa.” Cùng lúc đó, dường như một phần sâu thẳm trong tôi đang hiện hữu thành một thực thể ngay trước mắt tôi. Mặc dù ngài luôn ở đó [trong tâm hồn] nhưng bây giờ ngài đang ở ngoài.” Cô giải thích.
Đó là cuộc gặp với một đạo sư thực thụ - một điều hiếm khi xảy ra.
Trong những giờ đồng hồ sau đó, Tenzin Palmo cũng nói rằng cô muốn trở thành một ni sư, và liệu ông có thể chấp thuận cô hay không. Một lần nữa Khamtrul Rinpoche nói: “Được, tất nhiên là được!”, cứ như đó chỉ là một điều hoàn toàn bình thường. Ba tuần sau, ngày 24 tháng 7 năm 1964, điều đó đã trở thành sự thực. Cô nói, không chút mỉa mai: “Nó diễn ra khá lâu bởi vì Khamtrul Rinpoche muốn đưa tôi về tu viện của ông ấy ở Banuri để làm lễ xuất gia ở đó.”
Cô mới ở Ấn Độ được ba tháng, và quyết định dường như vội vàng và nhiều rủi ro đó lại là điều hoàn toàn hợp lý và thực sự xác đáng đối với tâm trí cô.
Cô tuyên bố, với sự chuyên tâm thường lệ: “Điều quan trọng với tôi là tìm kiếm sự hoàn thiện. Tôi biết rằng Phật giáo Tây Tạng không chỉ đưa ra mô tả hoàn hảo nhất về sự hoàn thiện đó, mà còn cung cấp một con đường rõ ràng nhất để đi tới đó. Đó là lý do tại sao tôi trở thành một ni sư. Bởi vì nếu ai đó dự định đi theo con đường này, thì người đó cần giảm sự xao lãng đến mức ít nhất có thể.”
Tuy nhiên, nơi quê nhà tại Anh, bà Lee đang sợ hãi. Bà viết thư cho con gái: “Hãy chờ thêm thời gian để suy nghĩ kỹ đã.” Nhưng khi Tenzin Palmo nhận được thư của bà thì đã quá muộn. Cô đã mặc vào người những chiếc áo choàng màu vàng và màu nâu sẫm, và cắt bỏ mái tóc dài của mình. Cô gửi một bức ảnh cho mẹ xem, viết vài dòng chữ ở phía sau: “Mẹ thấy không? Con trông rất khỏe. Đáng nhẽ con nên cười để mẹ biết rằng con cũng hạnh phúc.” Bà Lee trả lời: “Con cừu bé nhỏ tội nghiệp của tôi đã bị xén lông.”
Bà Lee không phải là người duy nhất lo âu về cái đầu trọc của Tenzin Palmo. Trong đêm trước ngày thụ giáo của cô, khi lễ xuống tóc diễn ra, một số lạt ma, những người ngưỡng mộ cô gái trẻ hấp dẫn, đã nài nỉ cô đừng làm điều đó. Một trong số họ van vỉ: “Hãy hỏi Khamtrul Rinpoche xem liệu cô có thể không cần cạo đầu không.” Cô đáp trả: “Tôi trở thành ni cô không phải để chiều lòng đàn ông.” Cô nói: “Khi tôi đi ra ngoài, họ trố mắt ra – họ sợ hãi. Nhưng tôi thấy tuyệt vời. Tôi yêu thích điều đó. Tôi thấy nhẹ nhàng hơn, như hạ gánh nặng xuống. Từ ngày đó trở đi, tôi không bao giờ nghĩ về mái tóc của mình chút nào nữa. Tôi vẫn cạo nó mỗi tháng một lần.”
Ngày thụ giáo đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí cô. Cô kể lại: “Tôi hạnh phúc, vô cùng hạnh phúc.” Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Theo truyền thống, cô phải mua một số thứ ở Dalhousie để dâng tặng ngài Khamtrul Rinpoche như món quà nhập môn; nhưng điều khó hiểu là khi cô đi ra ngoài tìm mua chúng thì cô không thể tìm thấy chúng ở đâu. Chúng hoàn toàn biến mất và trên thực tế cô không bao giờ tìm thấy chúng một lần nữa. Cô biết đến dự lễ thụ giáo của mình với hai bàn tay trắng là một sự vi phạm đáng sợ đối với nghi thức tâm linh. “Tôi cảm thấy thật kinh khủng. Khi đến thời điểm phải đưa ra món quà của mình, tôi nói với Khamtrul Rinpoche “Con xin lỗi, con không có bất cứ thứ gì để dâng tặng ngài, nhưng con xin dâng lên thân, khẩu, ý của con [thân thể, lời nói và tâm trí]. Ông cười và nói: “Đó chính là những gì ta cần.”
Sau đó, Khamtrul Rinpoche đặt cho cô pháp danh Drubgyu Tenzin Palmo, “người phụ nữ vinh quang gìn giữ giáo pháp truyền thừa”, và điều đó đã đưa cô lên trở thành người phụ nữ phương Tây thứ hai (sau Freda Bedi) trở thành ni sư Phật giáo Tây Tạng. Cô đã mở đầu một phong trào mới. Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có rất nhiều phụ nữ từ khắp nơi trên châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và New Zealand theo sau bước chân cô, cũng cạo đi mái tóc của họ và mặc chiếc áo choàng của ni sư, giúp tạo ra một trào lưu mới của Phật giáo phương Tây.
Khi đã là một thành viên trong cộng đồng của Khamtrul Rinpoche, thì ý nghĩa thực sự của cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Tenzin Palmo và Khamtrul Rinpoche bắt đầu được khám phá. Nếu Tenzin Palmo chỉ “biết” về Khamtrul Rinpoche theo trực giác, thì ông lại hoàn toàn nhận ra cô. Và những tu sĩ trong tu viện của ông cũng vậy. Tenzin Palmo rất giống nhân vật trong một bức tranh vải được treo ở tu viện Khampagar tại Tây Tạng nhiều năm qua. Nhân vật này có cặp mắt xanh sắc sảo và một cái mũi dài đặc biệt. Hơn nữa, nhân vật này rõ ràng là một người quan trọng về tâm linh bởi vì, như những người khác chứng nhận về sau, các tu sĩ nhanh chóng đối xử với Tenzin Palmo với sự kính trọng dành cho một tulku, một vị tái sinh được công nhận. Bản thân Khamtrul Rinpoche luôn giữ cô ở gần bên ông. Đó là một cách cư xử khác thường vì không như các lạt ma khác trong thời kỳ đó, ông vẫn hay gửi những người phương Tây đi nơi khác, không muốn thu hút sự thân cận của các đệ tử phương Tây. Sự gần gũi đặc biệt này giữa Khamtrul Rinpoche và Tenzin Palmo được duy trì suốt cuộc đời ông.
Một người với nhận thức thông thường, đặc biệt nếu đó lại là người phương Tây, khó có thể nói được điều gì về việc chuyển kiếp. Có thể nói rằng đối với họ sự đầu thai vẫn còn là điều rất bí hiểm. Tuy nhiên, đối với người Tây Tạng, đó lại là một điều hiển nhiên. Họ nói tất cả chúng ta đều sinh đi sinh lại trong nhiều dạng thức và hoàn cảnh khác nhau và sinh vào cùng gia đình với những người mà chúng ta có mối liên hệ nghiệp quả chặt chẽ. Do đó, theo quan điểm của những người Phật tử, bố mẹ bạn có thể chính là bố mẹ bạn trong kiếp trước, hoặc thậm chí có thể là con trai, con gái, cô, chú, bạn thân hoặc kẻ thù của bạn. Mối quan hệ có khi bắt đầu từ “vô thủy” [thời gian không có điểm khởi đầu] và được gắn bó trong không gian thích hợp thông qua vô số những mối liên hệ sau đó. Và khi nó tiếp diễn, quay đi quay lại trong vòng sinh tử, tâm hay thức được lôi kéo một cách không thể cưỡng lại vào sự tồn tại kế tiếp bằng chính xu hướng mà nó đã tự phát triển trong bản thân mình.
Nếu đầu thai là có tồn tại, và là điều rất bình thường, thì tái sinh lại không như vậy. Người ta nói rằng chỉ có những ai đạt đến mức độ cao nhất của sự phát triển tâm linh mới có thể hướng dẫn tâm của mình vào thời điểm cái chết diễn ra, để tái sinh có ý thức vào một địa điểm và hoàn cảnh xác định mà họ muốn. Và chỉ có những vị tái sinh được tìm thấy và công nhận, dưới một hệ thống tỉ mỉ của người Tây Tạng đã phát triển qua nhiều thế kỷ. Đó chính là các tulku, các rinpoche hay Những Đại sư Cao quý, những người đã rời bỏ vị trí của mình trong những cõi tịnh độ để thực hiện lời nguyện của họ là quay trở lại thế gian hết lần này đến lần khác để giải thoát tất cả mọi chúng sinh khỏi khổ đau.
Khó mà xác định được chính xác Tenzin Palmo là hay đã từng là ai. Ngay cả cô cũng có phần mơ hồ trong vấn đề này. Cô nói: “Tôi nghĩ tôi đã từng là tu sĩ trong nhiều kiếp và mối quan hệ giữa tôi và Khamtrul Rinpoche đã bắt đầu từ lâu. Đó là lý do tại sao việc chúng tôi gặp lại nhau chỉ là sự tiếp tục thời điểm mà chúng tôi đã chia tay nhau. Tôi nghĩ tôi đã là đệ tử hay ai đó tương tự của ông. Một lần có một lạt ma nói đùa với tôi: “Con có biết con là ai trong kiếp trước không?” Khi tôi nói: “Không” và hỏi ông có phiền nếu cho tôi biết điều đó không, thì ông trả lời: “Nếu Khamtrul Rinpoche không nói cho con biết thì chắc ông ấy có lý do riêng của mình.” Nhưng tôi không bao giờ hỏi”.
Cô nói thêm: “Sự thực là chúng tôi đã gặp nhau và nhận ra nhau, như thế là đủ rồi. Khamtrul Rinpoche nói rằng chúng tôi có mối quan hệ gắn bó trong nhiều kiếp. Ông cũng giải thích thêm rằng vì lần này tôi mang thân nữ và ở phương Tây, một nơi khá xa với ông nên chúng tôi đã khá khó khăn để gặp lại nhau; tuy nhiên, ông luôn luôn giữ tôi trong trái tim mình.”
Sau đó, nhiều thông tin đặc biệt hơn về cuộc sống trong những kiếp trước của cô được tiết lộ. Tenzin Palmo nghi ngờ rằng trong một kiếp cô đã là một hành giả yoga (yogi) rất gắn bó với Khamtrul Rinpoche đời thứ VI, người sống ở đầu thế kỷ XX. Khamtrul Rinpoche đời thứ VI đã rời tu viện Khampagar, lấy vợ và đi tới sống trong một hang động trên ngọn núi ở phía đối diện với tu viện. Ông là một yogi vĩ đại, được các đệ tử của mình ca tụng như Shakya Shri nổi tiếng. Shakya Shri là một trong những thiền giả vĩ đại nhất trong thế kỷ đó. Người ta nói rằng Shakya Shri đã nhận được những lời dạy trực tiếp từ chính Milarepa trong [dạng chứ không phải người thật] ánh sáng rõ ràng. Có lẽ Tenzin Palmo biết cả hai người này trong kiếp trước của cô.
Cuối cùng, đây có lẽ là câu trả lời cho nhiều điều bí hiểm trong cuộc đời của Tenzin Palmo: cô luôn cảm thấy “sai lầm” khi sống ở Luân Đôn; sự xa lạ kỳ lạ của cô với thân thể con gái khi còn là một đứa trẻ, sự hấp dẫn và đồng cảm tự nhiên của cô đối với Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là với tông Kargyu; mong ước tự nhiên của cô muốn trở thành tu sĩ; tuyên bố của cô trước Đạt lai Lạt ma rằng cô đến từ vùng Kham. Nếu như cô đã từng là đàn ông, từng là một vị sư và một thiền giả ở miền Đông Tây Tạng trong nhiều kiếp thì những điều đó hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, tại sao lần này cô lại sinh ra là một người phương Tây và là một phụ nữ lại là một vấn đề nghi vấn.
Như cô đã từng nói, giờ đây cô nối lại quan hệ với Khamtrul Rinpoche tại nơi mà cô đã từ giã ngài, nhưng lần này không phải với tư cách một vị sư hay lạt ma mà là một ni sư tập sự. Cô rời trường của Freda Bedi và bắt đầu đảm nhiệm vị trí thư ký cho Khamtrul Rinpoche. Nhờ đó mà cô có mối quan hệ gần gũi với ngài. Một lần nữa, đó chỉ có sự khác biệt về thời gian đã làm cho điều trên trở nên có thể. Nếu cô đã sinh ra ở Kham, như một phụ nữ, thì ông có thể đã nhận ngay ra cô; nhưng nghi thức và truyền thống hàng thế kỷ sẽ yêu cầu ông gửi cô đi tới một trong những nữ tu viện của ông [nên cô không thể sống gần ông được]. Trong sự gần gũi thân mật, cô đã biết ông một lần nữa.
Cô bắt đầu: “Ông ấy là một người đàn ông cao lớn, to khỏe, nhưng giống như nhiều người to lớn khác, ông đi lại, di chuyển rất nhẹ nhàng. Ông nhảy rất tuyệt và cũng là một họa sĩ hoàn hảo. Rất nổi tiếng trong đám người của ông. Mặc dù có bề ngoài to lớn như vậy, nhưng ông là người vô cùng ngọt ngào và hòa nhã, với một giọng nói mềm mại, nhỏ nhẹ.” Giọng cô cũng trở nên nhỏ hơn khi nhắc lại kỷ niệm. “Tôi sợ ông. Thật thú vị khi cảm thấy sự sợ hãi này. Ông được xem như một trong những dạng phẫn nộ của Guru Rinpoche [hay Padmasambhava - Liên Hoa Sinh], người đã mang Phật giáo từ Ấn Độ tới Tây Tạng vào thế kỷ thứ VIII), và đôi khi người ta có thể nhìn thấy ông trong dạng thức này. Do đó, tôi đoán rằng đó là sự thực. Bên ngoài ông rất ngọt ngào, nhưng bạn cảm thấy năng lực vĩ đại này ở trong ông.
“Một buổi chiều, khi tôi đang đánh máy thì Khamtrul Rinpoche đi vào với dáng vẻ mệt mỏi. Ông mỉm cười với tôi, tôi nhìn ông và trong giây lát như là mặt nạ bị rơi xuống và tôi bị đánh bởi một tiếng sét. Tôi ngã xuống và sau đó tôi bắt đầu co giật. Cứ như là có một dòng điện chạy qua toàn bộ con người tôi. Ông ngay lập tức tiến tới gần tôi. Ông nói: “Ta xin lỗi – Ta sẽ không bao giờ làm như thế này nữa. Ta xin lỗi.” Ông sai một tu sĩ đưa tôi về nhà và tôi co giật suốt đêm hôm đó. Nó là như thế. Ông có nguồn năng lượng này, và ông cố kiềm chế nó trong mọi thời gian. Nhưng ông thực sự rất tốt bụng, vui tính và rất đáng yêu. Một số người thấy ông xa lạ và tách biệt, nhưng đối với tôi ông thật trìu mến. Ông sẽ nắm tay tôi, vuốt mặt tôi và rất ủng hộ tôi – giống như người cha và người mẹ hợp lại.
Cô nói tiếp: “Đó là một mối quan hệ tốt đẹp. Nó rất đơn giản, không quá phức tạp. Tôi không bao giờ nghi ngờ lạt ma của mình là ai. Ông không bao giờ nghi ngờ rằng tôi có thuộc về mình hay không. Ông luôn luôn nói: “Con là ni cô của ta.” Thậm chí, khi tôi trở nên rất gắn bó với các lạt ma khác, mối quan hệ hai chiều kia vẫn không xuất hiện đối với vị lạt ma mới đó. Tôi ngồi với những người như Sakya Trizin (đứng đầu tông Sakya), người trở thành lạt ma thứ hai của tôi và bỗng nhiên có cảm giác mãnh liệt về nỗi nhớ Khamtrul Rinpoche. Giống như là với mẹ của bạn vậy – có ai đó khác mà bạn ngưỡng mộ và yêu mến nhưng bạn không thể có với người đó những cảm giác đặc biệt mà bạn có với mẹ của bạn.”
“Bạn thấy đấy, mối quan hệ với lạt ma của bạn rất thân mật, và ở mức độ sâu sắc như vậy, nó không giống với bất kỳ quan hệ nào khác. Làm sao nó có thể như vậy được? Đó là một mối quan hệ đã từng tồn tại qua nhiền kiếp sống. Lạt ma thực sự của bạn gắn bó với bạn cho đến khi bạn đạt giác ngộ. Còn có điều gì có thể thân mật hơn thế?”
Một người khác cũng biết Khamtrul Rinpoche rất rõ, đó là Choegyal Rinpoche, một trong số các đại đệ tử của ngài, người đã sống cùng ông ở Kham. Ông làm sáng tỏ thêm vấn đề vị đạo sư là ai.
“Ông ấy là người đáng ngạc nhiên. Tâm ông ấy luôn an tịnh dù cho điều gì có xảy ra đi nữa. Tôi nhận thấy rằng ông ấy thực sự vẫn như vậy, dù ở đây, tại Ấn Độ, là một người tị nạn, cũng như khi ông ở Tây Tạng, với nhiều địa vị và quyền lực. Ông không phiền lòng rằng ông đã phải đi mua xi măng về để xây dựng lại tu viện cho mình. Ông khoác vai người bán hàng Ấn Độ, vui đùa với tất cả những người dân địa phương, những người thực sự yêu mến ông. Ông cũng rất bao dung và rộng mở. Ông gặp những người theo đạo Hồi, đạo Hindu và trao đổi với họ về tôn giáo của họ.”
Tenzin Palmo, ở tuổi 21, đã từ bỏ rất nhiều – gia đình, đất nước, nền giáo dục, mái tóc và tất cả tham vọng về tích lũy thế gian, nhưng có một lĩnh vực mà cô chưa giải quyết xong. Một thời gian ngắn sau lễ xuất gia, cô nhận được một bức thư từ John Blofeld, mời cô tới nhà ông ta ở Thái Lan, chia sẻ chút thời gian với hai vợ chồng ông. Tenzin Palmo nghĩ đây là một ý tưởng tuyệt vời. Thái Lan là một quốc gia theo đạo Phật, John là người đáng mến, và điều kiện sống trong nhà ông có ích cho việc thực hành thiền quán hơn là ở Dalhousie. Cô xin phép Khamtrul Rinpoche và ông nói: “Được, nhưng con phải nhanh chóng trở về.”
Khi đến nhà John Boldfeld thì cô thấy anh bạn trai người Nhật của mình đã ở đấy. Cô đã viết thư cho anh ta nói rằng cô đã trở thành một ni sư và do đó lời đính ước trước kia bị hủy bỏ, nhưng anh ta nghe tin từ một người bạn chung của hai người rằng cô sẽ đi Thái Lan, và quyết định thử vận may của mình một lần nữa. Không nao núng bởi cái đầu trọc và chiếc áo choàng hoại sắc của cô, một lần nữa anh lại giục giã cô cưới anh. Tenzin Palmo lưỡng lự. Cô mới chỉ là một ni cô tập sự và Khamtrul Rinpoche với trí tuệ của mình chỉ mới trao cho cô một lời nguyện “không sát sinh”. Anh bạn người Nhật thì lại hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Cô nói: “Chúng tôi hiểu rõ về nhau. Chúng tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái bên nhau, mặc dù chúng tôi luôn biết rõ về nhau. Đó là một mối quan hệ chín muồi. Anh ấy là một người rất đáng yêu. Có lần anh ấy đập một con muỗi. Tôi nói: “Anh đang làm gì thế?” Tôi đi sâu vào toàn bộ vấn đề, những con muỗi sẽ cảm thấy thế nào và rằng nếu như đời sống của chúng ta quan trọng đối với chúng ta như thế nào thì đối với một con muỗi cũng vậy, điều quan trọng nhất mà nó có cũng chính là cuộc đời nó, và giống như chúng ta không muốn bất kỳ ai làm hại mình, do đó chúng ta cũng không nên lấy đi mạng sống của bất kỳ chúng sinh nào bởi vì khi chúng ta lấy nó đi, chúng ta sẽ không thể mang nó trở lại được. Cuối cùng, anh ấy khóc và nói: “Tại sao trước đây không có ai nói với tôi những điều này?” Anh ấy có một trái tim nhân hậu. Anh không nói điều gì nặng lời với ai bao giờ. Anh ấy thông minh và ngọt ngào. Anh ấy là một người đặc biệt hiếm có. Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ gặp được một người giống như vậy nữa. Và do đó, ý tưởng từ bỏ anh là một sự xả bỏ, hy sinh.”
Anh đề nghị Tenzin Palmo đến Hong Kong một vài tháng, nuôi lại mái tóc và sau đó đi đến Nhật. Cô bị cám dỗ rất nhiều. Cô nói chân thành: “Tôi nghĩ, tôi 21 tuổi và tôi sẽ không bao giờ được hôn một lần nữa. Tôi quá trẻ. Tôi muốn sử dụng cơ hội này để được chăm sóc anh ấy, làm anh ấy hài lòng, sống bên anh ấy. Làm những điều đó. Tôi muốn duy trì mối quan hệ như vậy, sống bên ai đó, chăm sóc – biểu lộ bản thân mình theo cách đó. Tôi muốn có cơ hội làm điều đó, không phải mãi mãi nhưng trong một khoảng thời gian. Trở thành một ni sư, tôi cảm thấy bị phá ngang. Tôi còn rất trẻ. Và một lần nữa tôi có suy nghĩ rằng có thể chúng tôi sẽ sống cùng nhau một thời gian cho đến khi mối quan hệ này xấu đi, rồi sau đó tôi sẽ đảm nhận vai trò của tôi như một ni sư một lần nữa.”
Có những sự cám dỗ khác nữa. Trở về Dalhousie thì các điều kiện sống rất khắc nghiệt. Tu viện của Khamtrul Rinpoche chưa được xây dựng lại và tất cả mọi người đang sống trong các căn lều. Mọi thứ thường xuyên ngập trong bùn, không có nhà vệ sinh và không có nước uống trong vòi. Trong khi đó, bố mẹ của chàng trai người Nhật mới chuyển đến một ngôi nhà truyền thống mới và đã mở rộng cửa chào đón Tenzin Palmo đến ở. Cô biết mình sẽ thích nó. Cuộc chiến đấu trong nội tâm bùng nổ. Tuy nhiên, dần dần quyết định cũng được đưa ra.
Cô nói: “Tôi nghĩ trong 10 năm tới điều gì sẽ làm tôi nuối tiếc nhất, cơ hội sống với vị đạo sư và thực hành pháp hay cơ hội để có hạnh phúc nhỏ bé trong vòng luân hồi? Và câu trả lời thật rõ ràng. Liệu một người có thể có hạnh phúc thế gian hết lần này đến lần khác hay không và ở đâu ra con người đó? Làm sao có thể so sánh nó với cơ hội được sống cùng với vị lạt ma?”
Điều cuối cùng quyết định đến cô là cuốn sách Kinh Dịch, cuốn sách cổ của Trung Quốc về bói toán. John Boldfeld mới dịch xong và Tenzin Palmo đang giúp ông sửa lại bản in. Trong quá trình đó, ông đã dạy cô cách xây dựng một điện thờ và gieo quẻ bằng cỏ thi, cũng như đoán quẻ như thế nào. Cô quyết định hỏi câu hỏi đầu tiên và duy nhất mà cô sẽ hỏi Kinh Dịch: cô nên tới Nhật Bản hay quay về Ấn Độ? Câu trả lời là: “Không nên đi xa hơn về phương Đông, hãy quay trở về với nhà hiền triết.” Không gì có thể rõ ràng hơn được nữa. Giờ đây, Tenzin Palmo biết cô phải chọn điều gì. Dù vậy, việc sớm rời bỏ tình yêu mang lại một nỗi buồn không thể diễn tả. Đêm đó, khi cô đang nằm trên giường, khóc và nghĩ về điều mà cô phải từ bỏ, cô cầu nguyện vị đạo sư hãy giúp đỡ mình. Ông đã nghe thấy lời cầu khẩn của cô.
Cô nói: “Khi tôi đang cầu nguyện tôi cảm thấy toàn bộ thân thể tôi được phủ đầy ánh sáng vàng từ đầu cho đến chân và giọng của Khamtrul Rinpoche nói: “Hãy trở về Ấn Độ ngay lập tức.” Sau đó, tôi cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Tôi đã được ban phúc.”
Ngày hôm sau, cô đi ra ngoài và mua vé trở về Ấn Độ. Cô không bao giờ gặp lại bạn trai Nhật Bản của mình một lần nào nữa.